Monday, August 16, 2010

Góc chiến trường xưa


Từ trái: Ðặng Ðức Thắng, Chu Trọng Ngư, Hồ Ðắc Huân và chị Hồ Ngọc Cẩn.

Trước khi tổ chức Ðại Hội Tình Nghĩa Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Nha Trang kỳ 2 tháng 9-1999, ban tổ chức được tin gia đình chị Hồ Ngọc Cẩn hiện đang định cư tại miền Nam Cali, Hoa Kỳ. Dựa vào tin trên, ban tổ chức cố gắng tìm chị qua các chiến hữu thân quen, các đồng môn có quan hệ quen biết với anh chị Cẩn trước năm 1975 vì có người đã gặp chị. Rất tiếc chị đã di chuyển chỗ ở... Gần tới ngày đại hội, Niên Trưởng Ðặng Văn Sơn cũng gợi ý cho ban tổ chức là gắng tìm chị để đại hội có sự hiện diện của chị. Ðại hội một ngày mỗi sát gần vẫn chưa có tin tức, đành hy vọng Ðại Hội kỳ 3 năm 2000 sẽ mời được chị tham dự vậy.

Trong một buổi chiều trung tuần tháng 2-2000, chuông điện thoại reo. Tôi nhấc máy, nghe đầu dây bên kia là tiếng của chị Huy*. Tôi nói:
- Rất vui được tiếp chuyện với chị! Anh chị vẫn khỏe chứ?
Chị Huy nói:
- Dạ chúng tôi vẫn khỏe. Cám ơn anh. Bây giờ báo tin vui cho anh đây!
Tôi hỏi:
- Tin vui gì đó chị?
Chị Huy nói:
- Thì tin anh nhờ tìm chị Cẩn đó! Tôi vừa tìm ra và nói chuyện với chị cách đây 5 phút!
- Dạ, mừng quá đi chứ chị. Cám ơn chị nhiều! Chị có nói là chúng tôi đang tìm chị ấy từ lâu không?
- Dạ có chứ! Anh ghi số điện thoại của chị Cẩn rồi liên lạc đi!
Tôi ghi cẩn thận, nhờ chị lập lại và không quên gởi lời thăm anh Huy cùng các cháu. Sau khi gác máy với chị Huy, tôi liền bấm máy tiếp số của chị Cẩn. Nghe tiếng đàn bà trả lời tôi đoán là chị Cẩn. Qua sự tự giới thiệu, trong lòng tôi thấy nhẹ nhõm là đã được trực tiếp nói chuyện với chị sau bao ngày mong tìm. Trong lần thăm hỏi, tuy chưa một lần gặp mặt, tôi thấy chị là người vui tính, cởi mở và chân tình. Tôi liền đi ngay vào mục đích là ban chấp hành hội có ý muốn viếng thăm chị và các cháu trong một ngày thuận tiện. Chị cười nói lời cám ơn và hẹn ngày Chủ Nhật tới nếu không có gì trở ngại với các anh! Tôi vui vẻ nhận lời mặc dù chưa hội ý với các anh trong ban chấp hành. Suốt chừng 30 phút điện đàm hỏi thăm về sức khỏe, cuộc sống hàng ngày, việc học hành của các cháu và hẹn sẽ được nói chuyện nhiều khi gặp mặt.
Gác máy với chị Cẩn, tôi liền liên lạc với anh Ngư, anh Diệm, anh Cầu để báo cuộc điện đàm vừa qua và đề nghị sắp xếp chuyến đi.
Sau khi được tôi báo tin, anh Ngư liền điện thoại với chị Cẩn để hỏi chi tiết về đường sá và gọi lại cho tôi quyết định chuyến đi như đã hẹn.
Sáng Chủ Nhật 20 tháng 2 năm 2000, anh Ngư và tôi khởi hành từ thành phố Westminster lên thành phố Pacoima đón anh Thọ và anh Thắng, riêng anh Diệm và anh Cầu vì bận việc nhà nên không có mặt. Khoảng 10 giờ sáng, chúng tôi gặp nhau tại nhà anh Thắng rồi cùng nhau tiếp tục lên đường tới nhà chị Cẩn. Chừng nửa giờ sau chúng tôi tới một khu đồi núi chập chùng trong một khu nhà mới xây dựng cách nay không lâu. Anh Ngư xem kỹ lại số nhà rồi xuống xe cùng vào. Ngang qua hành lang vào cửa chính, hai bên có nhiều chậu hoa quý đang trổ bông tạo thành nhiều màu sắc đẹp mắt và tỏa hương thơm dịu dàng. Sau khi nhấn chuông, một cô gái duyên dáng, thùy mị mặc bộ đồ xanh nước biển mở cửa bước ra với nụ cười và hỏi chúng tôi:
- Thưa các bác có phải là Hội Thân Hữu SVSQ Nha Trang không ạ?
Anh Ngư trả lời:
- Vâng, chúng tôi đây!
- Xin mời các bác vào, mẹ cháu đang đợi!
Chúng tôi an tọa nơi phòng khách. Như đã chuẩn bị từ trước, cô gái mang trà ra rót mời. Tôi liền hỏi:
- Cô đây là...
Như hiểu ý, cô gái nói:
- Dạ, cháu là Lưu Thị Kim Lan, con dâu của mẹ cháu.
Trong lúc chúng tôi quan sát quanh phòng khách để tìm xem có hình ảnh của anh Cẩn bận quân phục chụp trước năm 1975 không? (một kỷ vật mà chúng tôi đang tìm kiếm). Vừa lúc đó một người đàn bà từ trên lầu đi xuống, miệng mở một nụ cười thật tươi. Cô Lan liền nói:
- Mẹ cháu đang xuống.
Chúng tôi đứng dậy chào. Chị Cẩn giơ tay làm dấu mời ngồi và nói:
- Xin chào mừng các anh đã đến thăm gia đình chúng tôi. Từ sáng tới giờ tôi đợi các anh. Ði đường xa có mệt lắm không các anh?
Anh Ngư tiếp lời:
- Từ ngày lập hội, chúng tôi lấy tình nghĩa làm phương châm hoạt động nên mong gặp chị từ lâu. Mãi tới hôm nay mới được gặp nên rất mừng! Tuy đường có xa nhưng đến thăm chị bằng xe hơi chứ đâu có phải lội sình như đi trận ngày xưa mà mệt chị.
Tất cả cùng cười.
Chị Cẩn:
- Thôi mời các anh dùng nước cho ấm bụng.
Chị vừa nói vừa châm thêm trà. Mùi hương trà tỏa thơm ngào ngạt. Qua câu chuyện, chúng tôi thấy chị Cẩn là mẫu người đàn bà miền Nam vui tính, hiền hòa, phúc hậu.
Sau một tuần trà, anh Ngư đứng lên. Chúng tôi đứng lên theo. Anh nói:
- Thưa chị Cẩn. Hôm nay chúng tôi thay mặt Hội Thân Hữu cựu SVSQ Nha Trang đến để thăm sức khỏe chị và gia đình, đồng thời muốn chị cho chúng tôi biết một số tin tức về hành động anh hùng của anh Cẩn trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến mà báo chí ở hải ngoại đã nói đến rất nhiều nhưng có lẽ chị là người trong cuộc nên đúng với sự thật hơn.
Và hướng về phía chúng tôi anh giới thiệu:
- Ðây là anh Hồ Ðắc Huân, anh Nguyễn Xuân Thọ, anh Ðặng Ðức Thắng. Tất cả đều cùng Khóa 2 với anh Cẩn và tôi Chu Trọng Ngư khóa trước anh Cẩn, nhưng chúng tôi cùng xuất thân tại một quân trường.
Anh tiếp:
- Thưa chị. Lẽ ra cuộc thăm viếng này phải xảy ra cách đây hơn một năm, song rất tiếc chúng tôi không có cách nào tìm được chị. Mãi đến nay may nhờ chị Huy, qua sự dò hỏi điện thoại với người thân quen vì chúng tôi không muốn nhờ phương tiện truyền thông đại chúng, sợ làm phiền chị chăng?
Chị Cẩn cám ơn chúng tôi đã vì tình nghĩa bạn bè đến thăm và thực tình chị cũng không muốn nhắc lại chuyện cũ nên mỗi khi nghĩ đến lại càng thêm đau lòng vì với anh Cẩn, chị có quá nhiều kỷ niệm khó quên.
Sau khi cùng ngồi anh Ngư tiếp:
- Thưa chị! Khi còn sống trong lao tù Cộng Sản, chúng tôi được nghe anh em kể lại anh Cẩn và anh Trịnh Tấn Tiếp Quận Trưởng Kiên Hưng - Chương Thiện, cả hai cùng xuất thân Khóa 2 Nha Trang, đã cùng các chiến sĩ thuộc cấp chiến đấu tới giờ phút cuối cùng và sa vào tay giặc tại Chương Thiện sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975 và chúng đã dã man bắn các anh vào ngày 14 tháng 8 năm 1975 tại sân vận động Cần Thơ. Vì vận nước nổi trôi nên từ đó tới nay đã 25 năm rồi chúng tôi không được gặp chị. Hôm nay, nhân cuộc viếng thăm này, với tư cách là Hội Trưởng Hội Thân Hữu cựu SVSQ Nha Trang, trước hết tôi xin chuyển lời thăm hỏi của cựu Niên Trưởng Ðặng Văn Sơn, nguyên là Ðại Tá Chỉ Huy Trưởng khi anh Cẩn còn học trong trường, cùng tất cả các niên trưởng, cựu cán bộ và huấn luyện viên và thay mặt cho tất cả các cựu SVSQ xuất thân từ Ðồng Ðế, Nha Trang hiện đang sống tại Hoa Kỳ và rải rác khắp nơi trên thế giới chia buồn cùng chị và các cháu. Cầu nguyện Thiên Chúa đưa linh hồn anh Cẩn về hưởng phúc đời đời trên nước Thiên Ðàng.
Sau đó chúng tôi được biết chân dung anh Cẩn được thờ trên lầu. Chúng tôi xin chị hướng dẫn để được đốt nén nhang cầu nguyện cho anh. Trên bàn thờ, một tấm chân dung bán thân mặc quân phục tác chiến, ngực kín huy chương. Tấm hình này được chụp lúc còn thiếu tá. Phía trên bàn thờ anh Cẩn là bàn thờ Ðức Mẹ.
Thực tình trong chuyến đi này, ngoài vấn đề thăm viếng, chúng tôi muốn được một số tài liệu và hình ảnh của anh Cẩn, nhất là hình của một đại tá chỉ mới có 34 tuổi mà báo chí ở hải ngoại chưa có báo nào đăng. Tôi liền hỏi chị Cẩn:
- Ngoài tấm hình này chị còn tấm nào khác của anh không chị?
Chị cho biết chỉ còn duy nhất tấm hình này do một người bà con còn giữ được, vì tất cả đều để trong dinh Tỉnh Trưởng Chương Thiện mà lúc chạy ra thì đi người không.
Xuống lại phòng khách, chúng tôi muốn biết một số tình tiết của gia đình chị. Chị đã lần lượt cho biết như sau:
- Tôi và anh Cẩn lập gia đình với nhau trước khi anh theo học Khóa 2 Nha Trang. Khi anh ở trong trường thì tôi và cháu Nguyên thuê nhà ở ngoài Nha Trang. Cuối tuần anh được phép là về thăm mẹ con tôi. Chúng tôi chỉ có một cháu trai duy nhất là Hồ Huỳnh Nguyên. Hiện nay cháu đã có vợ và sanh một cháu trai tên Nelson Lưu Hồ. Vợ chồng cháu hiện sống với tôi tại đây. Ðáng lẽ hôm nay cháu ở nhà đón tiếp các anh nhưng rất tiếc vì bận việc nên vắng mặt. Cháu có nhờ tôi chuyển lời chào và thăm các bác và mong có ngày được gặp các bác. Bây giờ các anh muốn biết gì? Tôi nhớ đến đâu xin trả lời đến đó!
Anh Ngư hỏi:
- Thưa chị! Anh Cẩn sinh năm nào, tại đâu?
- Thưa các anh! Anh Cẩn sinh ngày 24 tháng 3 năm 1938 tại xã Vĩnh Thanh Vân, tại Rạch Giá, Việt Nam.
Anh Thọ:
- Thưa chị! Trước khi giữ chức vụ Tỉnh Trưởng Chương Thiện, anh Cẩn giữ những chức vụ gì? Ở đâu? Anh thăng trung tá và đại tá ngày nào chị còn nhớ không?
- Tôi nhớ nhà tôi thăng cấp Trung Tá năm 1970, lúc đó 32 tuổi, làm Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 15, Sư Ðoàn 9 Bộ Binh. Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972, Cộng quân vây hãm và tấn công An Lộc, tỉnh Bình Long. Bộ Tổng Tham Mưu điều động Sư Ðoàn 21 Bộ Binh, một trung đoàn thuộc Sư Ðoàn 7 và Trung Ðoàn 15 do anh Cẩn chỉ huy cùng một số đơn vị khác lên giải vây An Lộc. Sau chiến thắng này, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã thăng cấp mặt trận cho tất cả các quân nhân tham dự. Nhà tôi được vinh thăng đại tá trận này (năm 1972 lúc đó 34 tuổi). Tháng 6 năm 1973 nhậm chức Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Chương Thiện cho tới ngày 1 tháng 5 năm 1975 thì bị Cộng quân bắt.
Tôi hỏi:
- Vào những phút cuối cùng của ngày 1 tháng 5 năm 1975, tại dinh Tỉnh Trưởng, anh Cẩn có nói gì với chị không và chị rời dinh vào lúc nào?
- Thưa anh! Ngày 30 tháng 4 năm 1975 thật là ngày đau buồn đến với tất cả chúng ta. 25 năm trời trôi qua. Mỗi lần đến ngày 1 tháng 5 năm 1975, ngày mà anh Cẩn chiến đấu tới giờ phút cuối cùng và bị sa vào tay giặc vẫn là ngày dài nhất mà tôi không thể nào quên được.
“Tôi nhớ rõ là sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sau khi ăn sáng xong, anh Cẩn cùng Thiếu Tá Nguyễn Văn Thời, Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu vào Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu điều động các đơn vị trực thuộc khai thông liên tỉnh lộ 31 đi Cần Thơ và củng cố hệ thống phòng thủ. Tình hình lúc này quá căng thẳng nên trưa và chiều đó anh Cẩn không về dinh, do đó tôi và anh không gặp nhau nữa. Sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, vào khoảng 5 giờ, tất cả các loại súng nổ giòn khi Cộng quân vượt qua con rạch để chiếm Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu và trong nhiều giờ đồng hồ, các loại súng lớn nhỏ của cả hai bên, kể cả mìn và lựu đạn, thi nhau nổ. Hỏa châu sáng rực bầu trời. Tôi sợ quá, cùng cháu Nguyên tìm chỗ núp đạn. Cuộc chiến giằng co chừng tới 10 giờ sáng thì tiếng lựu đạn nổ nhiều và nhiều tiếng hét xung phong. Sau đó tiếng súng ngưng hẳn. Nhìn ra đường tôi thấy Cộng quân di chuyển rất đông và dân chúng tấp nập chạy khỏi khu vực giao tranh. Tôi đoán trận chiến đã kết thúc và lo cho số phận của anh Cẩn! Tôi đưa cháu Nguyên tìm cách len lỏi khỏi vòng vây lẫn lộn vào đoàn người di tản chạy về Cần Thơ. Sau đó ít ngày ông nội cháu xuống đón mẹ con tôi về Thủ Ðức.
Tôi hỏi tiếp:
- Thưa chị! Khi nào chị được tin anh Cẩn bị bắt và theo chị tại sao anh Cẩn không hành xử như các vị tư lệnh của anh như Tướng Nguyễn Khoa Nam và Lê Văn Hưng?
- Thưa anh! Hôm 1 tháng 5, sau khi về tới Cần Thơ, tôi lo lắng cho số phận của anh ấy lắm nên có nhờ người dò hỏi. Ngay hôm sau thì tôi biết ảnh bị bắt! Còn việc tại sao anh Cẩn không tự hủy mình, trước đây cũng đã có rất nhiều người hỏi tôi. Nhân dịp này tôi cũng xin thưa với các anh là anh Cẩn theo đạo Công Giáo và rất ngoan đạo. Anh thường cầu nguyện mỗi buổi sáng và thường nói trước khi đi trận: “Sống chết nằm trong tay Chúa”. Hơn nữa luật Công Giáo không cho phép con cái Chúa được tự tử.
Anh Thắng:
- Xin hỏi chị, từ ngày anh bị bắt cho tới lúc hiên ngang lên đoạn đầu đài (14 tháng 8 năm 1975), chị có đi thăm nuôi anh ấy không, hoặc có ai thăm anh được không?
- Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, mẹ con tôi luôn luôn phải lẩn trốn và thay đổi lý lịch. Cháu Nguyên phải nghỉ học (lúc này cháu đã 15 tuổi). Thời gian này ở đâu Cộng Sản cũng điều tra lý lịch. Chúng bắc loa kêu gọi mọi người tố cáo hàng ngày, về sau hàng tuần. Bà nội cháu và chị tôi đi nuôi chứ không được thăm. Hơn nữa anh Cẩn có nhắn là tôi không được đi vì sẽ gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm!
Anh Ngư:
- Xin chị cho biết ngày chúng bắn anh Cẩn, chị và cháu ở đâu? Có biết trước không và chúng có bắt chị chứng kiến không?
- Dạ hôm đó tôi vẫn ở Thủ Ðức. Không được biết trước nhưng ngay ngày hôm sau thì thím Tâm lén cho biết ngay. Trời ơi! Khi nghe tin này tôi rụng rời chân tay và trời đất như sụp đổ. Muốn khóc cũng không thành tiếng! Thật khó diễn tả nổi tâm trạng của tôi lúc đó. Cho tới bây giờ, 25 năm đã trôi qua nhưng tôi thấy như mới xảy ra hôm qua, hôm kia gì đó!
Anh Thọ:
- Thưa chị. Sau khi bọn Cộng Sản bắn anh Cẩn, thi hài anh được chôn cất tại đâu?
- Khi biết tin bọn chúng bắn ảnh, bà nội cháu có xuống xin đem về mai táng! Chúng đã trả lời là bọn chúng có quyền bắn chứ không có quyền cho. Mãi mấy năm sau bà nội cháu Nguyên mới cải táng đem về chôn tại quê nhà ở Rạch Giá. Hiện nay tro cốt của ảnh tôi đã mang được sang Hoa Kỳ.
Anh Ngư:
- Chị và cháu sang Hoa Kỳ theo diện nào và cuộc sống lúc ban đầu ra sao?
- Các anh kẹt lại Việt Nam sau 1975 thừa biết, người dân bình thường sống với bọn Cộng Sản còn không nổi huống gì mẹ con tôi. Ðầu năm 1979, tôi và cháu liều chết vượt biển như hàng triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi khác. Tới đảo BiDong, Mã Lai, ở đó chừng 10 tháng. Sau khi thanh lọc lý lịch, phái đoàn Mỹ đã chấp thuận cho mẹ con tôi sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện ưu tiên có chồng và cha bị Cộng Sản bắn tại Việt Nam.
“Cuối năm 1979, thành phố đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là Riversick, sau về Sacramento để cháu Nguyên đi học lại và cuối cùng đến Los Angeles làm ăn sinh sống như bây giờ”.
Anh Thắng:
- Cuộc sống của gia đình chị hiện nay như thế nào?
Chị Cẩn:
- Xin báo để các anh mừng! Cháu Nguyên nay đã trưởng thành. Cháu đã có gia đình. Con dâu tôi tên Lan như các anh vừa thấy đó. Hai vợ chồng cháu đều đi làm. Phần tôi ở nhà trông nom cháu nội trai đã được hai tuổi. Cuộc sống của chúng tôi đã tương đối ổn định.
Nhìn đồng hồ đã hơn 1 giờ trưa, anh Ngư thay mặt chúng tôi nói:
- Hôm nay chúng tôi lên thăm chị và thành thật cám ơn chị đã cho chúng tôi biết một số tin tức về anh Cẩn mà 25 năm trời qua chúng tôi chưa được biết.
Ðáp lời, chị Cẩn nói:
- Tôi và các cháu thành thật cám ơn các anh vì tình, vì nghĩa đã không quản ngại đường sá xa xôi đến thăm gia đình tôi. Nhân dịp này tôi nhờ các anh vui lòng chuyển lời của chúng tôi đến cựu Ðại Tá Sơn, quý vị niên trưởng, cựu cán bộ và huấn luyện viên cùng tất cả anh em cựu SVSQ khóa sinh Hạ Sĩ Quan xuất thân từ Ðồng Ðế, Nha Trang cùng gia đình lời thăm hỏi thành thật và chúc sức khỏe cùng sự an lành, hạnh phúc. Giờ này cũng trưa rồi xin các anh nán lại dùng một bữa cơm do cháu Lan chuẩn bị cùng với chúng tôi.
Bước vào phòng ăn, tất cả đã được bày sẵn trên bàn. Khi ngồi chúng tôi không quên dành chỗ danh dự để mời anh Cẩn cùng hội ngộ với chúng tôi. Một cái bát, một đôi đũa, một ly nước để lại. Trước khi ăn, chị Cẩn và chúng tôi thay nhau gắp đồ ăn vào bát của ảnh. Tuy anh Cẩn đã vĩnh viễn hy sinh vì Tổ Quốc Việt Nam nhưng tinh thần của anh vẫn còn sống mãi trong chúng tôi, những người đồng môn và đồng khóa.
Trong khi dùng cơm tôi có ý nghĩ: Thế hệ chúng tôi sinh ra vào giai đoạn đất nước triền miên khói lửa. Tới khi tiếng súng đã dứt lại bị lũ Cộng Sản trả thù bằng cách bắn giết hoặc đẩy vào trong trại tù khổ sai với nhiều năm tháng đói lạnh. Hiện nay, thân phận lưu vong tuy được tự do nhưng vẫn là đất khách quê người và nhìn lại tất cả đã luống tuổi. Thời gian chẳng còn bao lâu nữa rồi cũng lần lượt ra đi như anh Cẩn. Bây giờ thời gian còn lại chúng ta phải sống ra sao và phải làm những gì đây? Những gương chiến đấu của các chiến hữu đã anh dũng hy sinh như Hồ Ngọc Cẩn, như Trịnh Tấn Tiếp v.v... Phải làm sao để các thế hệ mai sau biết đến mà noi theo.
Gần 3 giờ chiều, chúng tôi tạm biệt gia đình chị Cẩn với tấm hình và ba bài báo nói về anh Cẩn do chị trao cho. Người con dâu trao chị một bao thư để chị trao lại chúng tôi, trong có một trăm Mỹ kim nhờ chúng tôi chuyển cho ủy ban xây dựng tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Việt-Mỹ trong cuộc chiến chống Cộng Sản Việt Nam tại thành phố Westminster.
Chị Cẩn, người con dâu và cháu nội tiễn chúng tôi ra tận cửa xe. Chiếc xe từ từ chuyển bánh được một đoạn, tôi quay đầu nhìn lại, ba thế hệ vẫn còn đứng nhìn theo như tiếc nuối một tình cảm chân thật vừa đi qua.
Trên đường về, cơn mưa tháng 2 mỗi lúc một nặng hạt. Chiếc xe Camry từ từ đổ dốc. Anh Ngư giữ vững tay lái nói:
- Hai chữ “Tình Nghĩa” của hội chúng ta quả thật có ý nghĩa.
Ánh sáng giảm dần. Chiếc quạt nước quay với tốc độ nhanh làm chúng tôi nhớ lại cơn mưa chiều 30 tháng 4 năm 1975 tại thủ đô Sàigòn. Tôi chợt nghĩ “sau mưa trời lại sáng”. Mọi người chúng ta và vong hồn mọi chiến sĩ, trong đó có anh Cẩn sẽ góp phần làm cho bầu trời Quê Hương Việt Nam tươi sáng một ngày gần đây.
Viết trong ngày Quân Lực VNCH 19 tháng 6 năm 2000
Hồ Ðắc Huân
Cựu Sinh Viên Khóa 2 Nhân Vị Nha Trang
* Anh Nguyễn Văn Huy và anh Hồ Ngọc Cẩn là hai trong 5 Ngũ Hổ tại chiến trường cực Nam 1966. Từ năm 1973, anh Huy và anh Cẩn đều là Tỉnh Trưởng nên hai gia đình có sự thân quen từ trước.

No comments: